8 tuổi phải bỏ học đi bán vé số, bán đậu phộng luộc mưu sinh giúp gia đình. Những tưởng cuộc đời sẽ gắn liền với hè phố và cái nghèo đói rát mặt, nhưng không, người phụ nữ này vẫn bền bỉ vươn lên và trở nên giàu có đáng ngưỡng mộ. Đó là câu chuyện của chị Trương Thị Hạnh (37 tuổi), bà chủ của hơn 22 quán bún bò ở khắp các quận, huyện TP.HCM. Chúng tôi vô tình biết được câu chuyện thú vị này và đã liên lạc với chị chủ trẻ để được nghe chị kể rõ hơn. Nhưng được biết, hiện tại chị đang ở quê chồng Quảng Ngãi để chuẩn bị khai trương chi nhánh 3 ở tỉnh này. Dù rất bận nhưng chị cũng đã tranh thủ chút thời gian quý báu để tâm sự với chúng tôi.
Khi được hỏi về quá trình phát triển chuỗi chi nhánh bún bò tại TP.HCM, chị Hạnh xúc động kể: “Ngày xưa gia đình chị khổ lắm, ba đi làm ăn xa rồi bỏ lại mẹ chị nuôi 3 đứa con, chị là con gái đầu, các em chị lúc đó đứa thì 5 tuổi, đứa kia thì có 1 tuổi mấy à. Lúc đó chị 8 tuổi, đi theo cô vào Sài Gòn làm ăn, nhưng vì nhỏ quá chưa biết làm gì nên chỉ phụ bán vé số, đậu phộng luộc, mỗi ngày chỉ kiếm được 6 đến 10 nghìn, nếu 1 ngày chị bán được 100 nghìn thì chị kiếm được 12 nghìn đồng sống qua ngày.”
Chị Trương Thị Hạnh đến giờ vẫn tự tay nấu và phục vụ nhũng tô bún bò nóng hổi cho thực khách Sài Gòn.
Quá trình bán vé số kéo dài đến năm chị 14 tuổi, lúc đó đến tuổi dậy thì, hay bị trêu chọc khi đi bán ở các quán nhậu nên chị cảm thấy muốn kiếm 1 việc gì đó để thay đổi. Chị đi làm xí nghiệp được 2 tháng, bị đồng nghiệp chơi xấu nên tủi thân, nghỉ việc về nói mẹ dạy nấu bún riêu gánh đi bán dạo. Thời điểm 14 tuổi lẽ ra phải là tuổi ăn học, nhưng chị lại phải mưu sinh vì gia đình quá khó khăn, nuôi 2 đứa em, ở trọ tại thành phố rộng lớn và tấp nập lại khiến mấy mẹ con thêm gánh nặng hàng tháng. Nói đến đây chị nghẹn lại, lúc đó chị luôn nghĩ phải làm những công việc chân chính để phụ giúp cho mẹ, vì ba không có ở gần nên mọi áp lực mẹ và chị đều phải gánh trên vai.
Để nấu được một tô bún bò ngon, chị Hạnh phải lựa chọn những nguyên liệu tươi ngon nhất có như vậy thực khách mới hài lòng và luôn ủng hộ quán.
Chị kể, khi chuyển sang bán bún riêu là chị không biết nấu sao cho ngon, chị đã học từng ngày, tiếp thu tất cả góp ý của khách hàng cũng như thử các quán khác, chắt lọc những gì ngon nhất để hoàn thiện món ăn bằng chính tâm huyết của mình. Thời gian đó chị đi bán dạo ở khu vực chợ Đa Kao, Quận 1, mỗi phần ăn bán ra chừng 3.000 - 4.000 đồng. Chị quyết tâm sẽ để dành vốn thuê mặt bằng buôn bán đàng hoàng, cuộc sống sẽ đỡ khó khăn hơn.
Từ một điểm bán vỉa hè đến nay chị Hạnh đã sở hữu hơn 20 chi nhánh bún bò với lượng khách đông.
Cuộc sống cứ thế tiếp diễn cho tới ngày chị lấy chồng, chuyển về Thủ Đức sinh sống. Chị vay mượn tiền mua xe đẩy để bán bún bò cùng chồng phát triển sự nghiệp, nuôi con. Nhờ duyên buôn bán và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, chị đã phát triển thành chuỗi quán ăn như bây giờ. Hiện chị mở được 22 chi nhánh, trong đó 20 chi nhánh ở TP.HCM và 2 chi nhánh ở Quảng Ngãi.
Thực khách đến với quán của chị Hạnh đa dạng từ người trẻ đến cả người lớn tuổi.
Đến tối khuya vẫn rất đông thực khách đến chờ mua bún bò tại chi nhánh trên đường Nguyễn Kiệm.
Chuỗi tiệm bún bò của chị Hạnh hiện tại có gần 50 nhân viên, trong đó có nhiều người là bà con, họ hàng được chị đưa lên Sài Gòn ở và buôn bán. Chị chủ tâm sự có những người không có việc làm hoặc gia đình khó khăn thì chị đều tạo điều kiện được làm ở quán để ổn định thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Qua (45 tuổi, chị chồng chị Hạnh) đã làm việc tại chi nhánh Nguyễn Kiệm (Quận Phú Nhuận) gần 2 năm nay cho biết nhờ công việc này mà khi từ Quảng Ngãi vào, 2 vợ chồng có đủ thu nhập để lo cho 3 đứa con ăn học tại Sài Gòn.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Qua nhờ làm việc cho hệ thống bún bò của chị Hạnh mà có thể ổn định kinh tế lo cho 3 con ăn học.
Đối với chị Hạnh, chuỗi bún bò hiện tại không chỉ đơn thuần là thương hiệu, mà còn là đứa con tinh thần, là sản nghiệp của người chủ nghị lực, không đầu hàng số phận. Từ một bé gái bán vé số trở thành một bà chủ, mua nhà, mua xe, lo cho con cái ăn học ở thành phố rộng lớn này.
Gia đình hạnh phúc của chị Hạnh là động lực để chị vươn lên, tạo dựng sự nghiệp thành công như hiện tại.
Chị Hạnh chia sẻ rằng bản thân sẽ luôn học tập thêm để cải thiện chất lượng món ăn của mình làm ra, chị cảm ơn mảnh đất Sài Gòn đã rèn giũa ý chí kiên cường, cố gắng vượt qua thử thách để có cơ hội đổi đời, cuộc sống ấm no hơn.
NGUỒN: https://www.yan.vn/8-tuoi-di-ban-ve-so-nguoi-phu-nu-vuon-len-lam-chu-cua-26-quan-bun-bo-297944.html